Đi đôi với việc dạy và học môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là những băn khoăn trăn trở về hình thức kiểm tra đánh giá mới. Điều này xuất phát từ sự khác biệt giữa Chương trình giáo dục môn Ngữ văn trước đây với Chương trình giáo dục môn Ngữ văn mới. Chương trình Ngữ văn mới sẽ lấy các kỹ năng giao tiếp (đọc, viết, nói và nghe) làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học nhằm đáp ứng yêu cầu của chương trình theo định hướng năng lực và bảo đảm tính chỉnh thể, sự nhất quán liên tục trong tất cả các cấp/lớp. Hệ thống kiến thức phổ thông cơ bản, nền tảng về văn học và tiếng Việt được tích hợp vào hoạt động dạy đọc, viết, nói và nghe. Hơn nữa, theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm học 2022-2023 tới đây sẽ đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn theo một hướng hoàn toàn khác so với trước đây. Công văn số 3175/BGDĐT- GDTrH hướng dẫn: “Việc đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, năng lực tư duy hình tượng và tư duy logic của học sinh”. Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn. Khuyến khích việc xây dựng và sử dụng các đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy cao nhất khả năng sáng tạo của học sinh. Xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Đây chính là những lý do khiến nhóm tác giả cho ra đời cuốn sách mang tên Đề đánh giá năng lực môn Ngữ văn lớp 10 theo định hướng đổi mới như là một sự chia sẻ, trao đổi chuyên môn với Quý thầy cô giáo cũng như định hướng cho các em học sinh làm quen với chương trình mới. Cuốn sách được chia ra làm 3 phần: Phần I là những kiến thức cơ bản về các thể loại được học trong chương trình SGK mới của cả 3 bộ sách (Kết nối tri thức với đời sống, Cánh diều và Chân trời sáng tạo). Phần II là 18 đề thi tham khảo theo hệ thống thể loại và đơn vị kiến thức bài học bám sát với 3 bộ sách. Các đề thi được xây dựng trên ma trận đề mới nhất mà Bộ đưa ra để tham khảo với cấu trúc 2 phần: Trắc nghiệm (6,0 điểm); Tự luận (4,0 điểm) theo các mức độ khác nhau. Phần III là đáp án gợi mở cho các đề thi theo thứ tự. Những đề thi mà nhóm tác giả xây dựng chỉ mang tính chất tham khảo. Chắc chắn sự chủ động sáng tạo của các thầy cô sẽ khiến cho không chỉ những giờ dạy Văn trở nên lý thú, hấp dẫn hơn với học sinh mà còn khiến cho những giờ kiểm tra đánh giá trở nên mới lạ, cuốn hút hơn và đạt được mục tiêu đề ra.